SaaS: Xu hướng công nghệ bùng nổ và giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp
Mở đầu chuỗi bài viết về SaaS và chiến lược triển khai SaaS hiệu quả, hãy cùng Rikkei Digital tìm hiểu về SaaS là gì và xu hướng ứng dụng SaaS trên thế giới và Việt Nam trong những năm gần đây!
Mục lục
SaaS (Software as a Service) hay Phần mềm dưới dạng dịch vụ đang trở thành xu hướng công nghệ bùng nổ trong kỷ nguyên số hiện nay, được các doanh nghiệp ưa chuộng bởi sự tiện lợi, linh hoạt và tiết kiệm chi phí. Theo dự đoán của McKinsey & Company, thị trường SaaS sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 200 tỷ USD vào năm 2024.
Trong số đầu tiên của chuỗi bài viết về SaaS và triển khai SaaS này, hãy cùng Rikkei Digital tìm hiểu về xu hướng sử dụng SaaS hiện nay và những ưu, nhược điểm của phần mềm này khi ứng dụng triển khai trong doanh nghiệp.
SaaS là gì? Tại sao SaaS đang xâm chiếm thế giới và Việt Nam?
SaaS là gì?
SaaS (Software as a Service) là mô hình phân phối phần mềm nơi nhà cung cấp đám mây lưu trữ các ứng dụng và cho phép người dùng cuối truy cập qua internet. Trong mô hình này, nhà cung cấp phần mềm độc lập (ISV) có thể ký hợp đồng với nhà cung cấp đám mây bên thứ ba để lưu trữ ứng dụng. Hoặc, với các công ty lớn hơn, như Microsoft, nhà cung cấp đám mây cũng có thể là nhà cung cấp phần mềm.
SaaS là một trong 3 dạng chính của điện toán đám mây, bên cạnh IaaS (cơ sở hạ tầng) và PaaS (nền tảng). Nó cũng nằm trên tầng trên cùng của mô hình kim tự pháp về 3 loại dịch vụ của Cloud Computing nên được rất nhiều người dùng hướng tới hiện nay. SaaS được nhiều đối tượng sử dụng, từ cá nhân đến doanh nghiệp, với các ứng dụng phong phú, từ giải trí (Netflix) đến công cụ IT nâng cao. Không giống như IaaS và PaaS, các sản phẩm SaaS thường được tiếp thị cho cả người dùng B2B và B2C.
Tại sao SaaS đang xâm chiếm Việt Nam và thế giới?
Mô hình SaaS đang tạo nên làn sóng mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới, trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực.
Từ quản lý doanh nghiệp, tài chính, quản lý quan hệ khách hàng (CRM), quản lý nguồn lực doanh nghiệp (ERP), quản lý dự án, giao tiếp nội bộ - cộng tác liên phòng ban, quản lý marketing, kho hàng, logistics,... SaaS đa dạng đáp ứng mọi nhu cầu kinh doanh.
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường SaaS Việt Nam được thúc đẩy bởi:
-
Phần mềm đa dạng, chi phí hợp lý: Thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa, tối ưu hóa chi phí vận hành, bảo trì.
-
Tính linh hoạt, tùy biến cao: Dễ dàng điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể, phù hợp với mọi quy mô doanh nghiệp.
-
Giao diện thân thiện, dễ sử dụng: Tiết kiệm thời gian học tập, tăng hiệu quả công việc.
Dự báo của Statista cho thấy:
-
Doanh thu thị trường SaaS Việt Nam sẽ đạt 198,9 triệu USD vào năm 2024.
-
Tốc độ tăng trưởng hằng năm (CAGR 2024 - 2028) đạt 11,28%, doanh thu năm 2028 lên tới 304,9 triệu USD.
-
Mức chi tiêu trung bình cho mỗi nhân viên vào năm 2024 đạt 3,36 USD.
Những con số và thông tin trên đã cho thấy một sự chuyển đổi mạnh mẽ và nhanh chóng của các doanh nghiệp Việt Nam từ việc sử dụng các phần mềm truyền thống sang phần mềm SaaS.
Người dùng thích SaaS vì:
-
Dễ dàng sử dụng: Không cần cài đặt phức tạp, chỉ cần truy cập là dùng được.
-
Ít lỗi hơn: Dữ liệu ít bị mất do lỗi phần cứng hay thao tác sai vì được quản lý bởi các chuyên gia.
-
Độ sẵn sàng cao: Phần mềm luôn hoạt động ổn định và thường xuyên hơn so với phần mềm tự cài đặt.
-
Linh hoạt về chi phí: Thường rẻ hơn các loại phần mềm tính phí theo bản quyền, phù hợp cho người dùng chưa chắc chắn về nhu cầu lâu dài hoặc chỉ cần dùng trong thời gian ngắn.
Nhà phát triển thích SaaS vì:
-
Mô hình cung cấp: Phần mềm được phát triển liên tục trên hạ tầng của công ty, giúp việc triển khai và cập nhật dễ dàng hơn.
-
Kiểm soát môi trường: Không cần lo lắng về sự khác biệt giữa các máy tính của người dùng, giúp giảm thiểu lỗi do tương thích.
-
Ít hỗ trợ khách hàng: Số lượng yêu cầu hỗ trợ từ người dùng cài đặt phần mềm tại chỗ thường cao hơn nhiều so với người dùng SaaS.
Doanh nghiệp và nhà đầu tư thích SaaS vì:
-
Doanh thu ổn định: Thu nhập từ SaaS thường đều đặn và dễ dự đoán, giúp hoạch định tài chính dễ dàng hơn và thu hút đầu tư.
-
Tăng trưởng nhanh: SaaS tạo điều kiện cho các công ty phần mềm phát triển nhanh chóng nhờ khả năng huy động vốn đầu tư.
Tóm lại, SaaS đã và đang định hình lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua khả năng mở rộng, hiệu quả về chi phí cũng như hỗ trợ làm việc từ xa. Chiếm 34% trong số 491 tỷ USD chi cho công nghệ đám mây vào năm 2022, SaaS là phân khúc chi tiêu lớn nhất của doanh nghiệp dành cho các phần mềm đám mây toàn cầu. Cùng tìm hiểu sâu hơn về cách hoạt động của SaaS trong phần dưới đây.
Phần mềm SaaS hoạt động như thế nào?
Các phần mềm SaaS hoạt động thông qua mô hình phân phối đám mây. Người dùng trả phí theo tháng hoặc theo năm để sử dụng toàn bộ ứng dụng này thông qua trình duyệt web, phần mềm trên máy tính hoặc ứng dụng di động. Nhà cung cấp SaaS sẽ chịu trách nhiệm lưu trữ và quản lý mọi thứ cần thiết để vận hành ứng dụng, bao gồm máy chủ, bộ lưu trữ, tài nguyên mạng, phần mềm trung gian, phần mềm ứng dụng và lưu trữ dữ liệu.
Do đó, các công ty sử dụng SaaS không có nhiệm vụ thiết lập và bảo trì phần mềm, chỉ cần trả phí đăng ký và có chiến lược triển khai phù hợp.
SaaS có liên quan chặt chẽ với nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng (Application Service Provider) và các mô hình phân phối phần mềm điện toán theo yêu cầu (Software on Demand). Trong các mô hình này, nhà cung cấp sẽ lưu trữ phần mềm cho khách hàng và cung cấp cho người dùng được ủy quyền truy cập qua internet.
Tùy thuộc vào thỏa thuận cấp độ dịch vụ (Service-Level Agreement), dữ liệu của khách hàng cho từng mô hình có thể được lưu trữ cục bộ, trên đám mây hoặc cả cục bộ và trên đám mây. Cũng thông qua SLA, nhà cung cấp thường đảm bảo khả năng sẵn có, hiệu suất và bảo mật cho ứng dụng. Khách hàng có thể thêm người dùng và dung lượng lưu trữ dữ liệu theo nhu cầu với chi phí bổ sung.
Hầu hết mọi người ngày nay đều sử dụng SaaS dưới một hình thức nào đó, chẳng hạn như email, mạng xã hội và các giải pháp lưu trữ tệp đám mây (như Dropbox hoặc Box). Các tổ chức có thể tích hợp ứng dụng SaaS với phần mềm khác thông qua API. Ví dụ: doanh nghiệp có thể viết các công cụ phần mềm của riêng mình và sử dụng API của nhà cung cấp SaaS để tích hợp các công cụ đó với sản phẩm SaaS.
>> Xem thêm: Lark Open Platform: Nền tảng mở linh hoạt và tối ưu của Lark
Mô hình kiến trúc của các phần mềm SaaS
Phần mềm SaaS thường sử dụng kiến trúc đa thuê bao. Nghĩa là chỉ có một phiên bản ứng dụng chạy trên máy chủ, phục vụ cho tất cả khách hàng đăng ký (gọi là "thuê bao" hay "đơn vị thuê đám mây"). Tất cả khách hàng đều dùng chung một phiên bản và cấu hình.
Mặc dù dùng chung nền tảng và hạ tầng, dữ liệu của từng khách hàng vẫn được phân cách riêng biệt. Nhờ kiến trúc đa thuê bao, nhà cung cấp có thể bảo trì, cập nhật và vá lỗi nhanh hơn, hiệu quả hơn. Thay vì cập nhật nhiều phiên bản khác nhau, kỹ sư chỉ cần cập nhật một phiên bản dùng chung cho tất cả khách hàng.
Kiến trúc đa thuê bao cũng giúp tận dụng tốt hơn nguồn tài nguyên cho nhiều người dùng hơn, mà vẫn đảm bảo an ninh, tốc độ và quyền riêng tư.
Ưu điểm của các phần mềm SaaS
Ưu điểm chính của SaaS là loại bỏ mọi trách nhiệm về quản lý cơ sở hạ tầng và ứng dụng cho nhà cung cấp SaaS. Người dùng chỉ cần tạo tài khoản, thanh toán phí và bắt đầu sử dụng ứng dụng. Nhà cung cấp sẽ xử lý mọi việc khác, từ bảo trì phần cứng và phần mềm máy chủ đến quản lý quyền truy cập và bảo mật của người dùng, lưu trữ và quản lý dữ liệu, triển khai các bản nâng cấp và bản vá lỗi, v.v.
Những lợi ích khác của SaaS bao gồm:
-
Giảm thiểu rủi ro về mặt tài chính: Nhiều sản phẩm SaaS cung cấp bản dùng thử miễn phí hoặc phí hàng tháng thấp, cho phép khách hàng dùng thử phần mềm để xem liệu nó có đáp ứng nhu cầu của họ hay không với rủi ro về tài chính rất ít hoặc không có. Ngoài ra, việc chuyển đổi chi phí sang chi phí hoạt động định kỳ cho phép nhiều doanh nghiệp thực hiện việc lập ngân sách tốt hơn và dễ dự đoán hơn. Người dùng cũng có thể chấm dứt các dịch vụ SaaS bất kỳ lúc nào để giảm các chi phí định kỳ đó.
-
Duy trì năng suất mọi lúc, mọi nơi: Người dùng có thể làm việc với các ứng dụng SaaS trên bất kỳ thiết bị và nền tảng nào, miễn là có kết nối internet.
-
Mở rộng dễ dàng: Thêm người dùng chỉ đơn giản là đăng ký và thanh toán cho các tài khoản mới - khách hàng có thể mua thêm dung lượng lưu trữ dữ liệu với chi phí hợp lý.
-
Tính tùy biến: Các ứng dụng SaaS thường có thể tùy chỉnh và có thể tích hợp với các ứng dụng kinh doanh khác, đặc biệt là trên các ứng dụng từ một nhà cung cấp phần mềm thông thường.
-
Cập nhật tự động: Thay vì mua phần mềm mới, khách hàng có thể tin cậy vào nhà cung cấp SaaS để tự động thực hiện cập nhật và sữa chữa. Điều này càng làm giảm gánh nặng cho nhân viên CNTT nội bộ.
Xu hướng phát triển của các phần mềm SaaS trong lĩnh vực giao tiếp - cộng tác tại doanh nghiệp
3 năm đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến môi trường làm việc, đẩy mạnh xu hướng làm việc tại nhà và từ xa. Việc trao đổi qua email trở nên thiếu hiệu quả, cản trở sự hợp tác và cộng tác giữa các thành viên trong doanh nghiệp. Nhu cầu sử dụng các phần mềm giao tiếp - cộng tác SaaS ngày càng tăng cao, trở thành giải pháp thiết yếu cho doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh làm việc mới.
Mô hình SaaS mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong việc triển khai phần mềm giao tiếp - cộng tác:
-
Tiết kiệm chi phí: Doanh nghiệp không cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng máy chủ, phần mềm hay bảo trì, thay vào đó chỉ cần thanh toán phí sử dụng dịch vụ theo tháng hoặc theo năm.
-
Dễ dàng triển khai và sử dụng: Phần mềm SaaS có thể truy cập và sử dụng qua trình duyệt web, không cần cài đặt phức tạp, giúp nhân viên dễ dàng bắt đầu làm việc nhanh chóng.
-
Tính linh hoạt: Doanh nghiệp có thể dễ dàng mở rộng hoặc thu hẹp quy mô sử dụng phần mềm theo nhu cầu, chỉ cần thanh toán cho số lượng người dùng thực tế.
-
Cập nhật liên tục: Nhà cung cấp dịch vụ SaaS sẽ chịu trách nhiệm cập nhật và nâng cấp phần mềm thường xuyên, đảm bảo người dùng luôn sử dụng phiên bản mới nhất với các tính năng tiên tiến nhất.
Lark Suite là một trong những nền tảng giao tiếp - cộng tác SaaS nổi bật hiện nay, cung cấp đầy đủ các tính năng cần thiết cho doanh nghiệp như nhắn tin, gọi điện thoại, hội nghị trực tuyến, chia sẻ tệp, quản lý dự án, v.v. Nhờ giao diện thân thiện, dễ sử dụng và khả năng tùy biến cao, Lark Suite được nhiều doanh nghiệp tin tưởng lựa chọn.
Với những ưu điểm vượt trội, các phần mềm giao tiếp - cộng tác SaaS như Lark Suite sẽ tiếp tục là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động và đạt được thành công trong bối cảnh làm việc mới.
Kế hoạch tiếp theo: Mở ra cánh cửa đến thành công với chiến lược triển khai SaaS hiệu quả
SaaS mang đến tiềm năng to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, mở ra cánh cửa đến với hiệu quả hoạt động vượt trội và khả năng cạnh tranh cao hơn. Tuy nhiên, để khai thác tối đa lợi ích này, việc xây dựng chiến lược triển khai SaaS hiệu quả là điều vô cùng quan trọng.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp khó khăn trong việc triển khai SaaS thành công, chủ yếu do chưa có cái nhìn đúng đắn về mô hình triển khai chuẩn cho các giải pháp SaaS. Đây là một chủ đề mà Rikkei Digital tin rằng sẽ thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Hãy cùng chúng tôi thảo luận về chủ đề này trong bài viết thứ 2 của chuỗi bài về SaaS: "Triển khai SaaS: Giải mã những quan niệm sai lầm phổ biến và chiến lược thành công cho doanh nghiệp".
Đừng bỏ lỡ bài viết thứ 2 để nâng tầm kiến thức của bạn về triển khai SaaS và mở ra cánh cửa đến thành công!